Hát Nói

Hát Nói – Thể thơ ca đặc sắc của Việt Nam


Ca trù là một loại hình âm nhạc truyền thống có tính bác học rất cao của Việt Nam. Nhiều nhà nghiên cứu đã so sánh ca trù của Việt Nam với nhạc thính phòng của phương tây.

Được hình thành và bắt đầu phát triển từ đời Lý, ban đầu ca trù được sử dụng cho các buổi hát chúc thọ vua chúa và các buổi lễ trong triều đình, qua thời gian, ca trù dần dần phát triển rộng ra dân gian qua giới quan lại, tầng lớp sĩ phu nho học … và trở nên thông dụng. Tuy vậy ca trù cũng khác với các loại hình dân ca khác ở chỗ nó có yêu cầu rất nghiêm ngặt quy định về số câu, số chữ, lời văn, quy định về đối ngẫu … có lẽ vì vậy mà ca trù vẫn được thưởng thức tập trung phần lớn ở tầng lớp có học thức cao trong xã hội xưa.

Các nhạc cụ chủ yếu trong ca trù gồm có phách, đàn đáy và trống chầu. Phách do người đào hát vừa ngồi hát, vừa điều khiển, thường là dùng hai thanh tre nhỏ gõ trên một thẻ tre hoặc gỗ lớn để dưới chiếu. Đàn đáy là loại đàn đóng bằng gỗ thành hình hộp có đáy dưới nhỏ hơn đáy trên, cần đàn rất dài, có cây đàn đáy cổ (ở Thanh Hoá) cần đàn dài tới gần 2 mét, đàn có hai dây do một nhạc công điều khiển. Đây là một loại đàn riêng có của Việt Nam và cũng chỉ dùng trong hát ca trù. Trống chầu là loại trống nhỏ, do chính người nghe hát là quan viên cầm chầu và điều khiển cùng người đào hát và nhạc công. Ở đây, ca trù lại một lần nữa thể hiện sự độc đáo của mình, đó là trong ca trù có sự giao lưu một cách sâu sắc giữa người thể hiện (hát) và người thưởng thức (nghe). Riêng trong loại hình ca trù Cửa đình (sẽ nói rõ thêm dưới đây) ngoài trống chầu nhỏ do các quan viên điểm ở dưới gọi là chầu ngang, còn dùng trống lớn và chiêng treo hai bên tả hữu hương án cầm chầu do hai người đánh gọi là chầu dọc.

Trong hát ca trù có năm cung bậc chính là: Bắc, Pha, Huỳnh, Nam, Nao và một cung đặc biệt nữa là cung Phú. Ca trù có ba hình thức thể hiện đó là hát ca trù ở cung đình gọi là hát Cửa quyền; hát ca trù ở các làng xã phục vụ cho việc tế lễ thành hoàng gọi là hát Cửa đình; và hát ca trù ở các ca quán, nhà riêng.

Vì sao lại gọi là ca trù? Chữ trù () có nghĩa là thẻ tre, có lẽ do những người đào hát thường dùng các thanh tre làm phách khi hát nên có tên gọi này. Trong cuốn “Thần chú thỉnh tiên – Ca trù thập cảnh Hà Tiên” do ông La Thành Đàm phiên dịch thơ nôm của Mạc Thiên Tích in năm 1907 tại Sài Gòn thì chữ Trù lại có thêm bộ nhân đứng () – chữ này không có trong tự điển chữ Hán, có lẽ người viết đã muốn nhấn mạnh hơn nữa về thể loại hát này là: người hát (chữ nhân) cầm thẻ tre (chữ trù) làm phách. Ca trù còn có tên gọi khác là hát ả đào, hát nhà tơ… Sở dĩ gọi là hát ả đào là do ca sĩ hát thường là những cô gái trẻ (má đào). (Có người cho rằng thể hát ca trù do người phụ nữ họ Đào sáng tạo ra nên gọi là hát ả Đào. Giải thích như vậy là không đúng vì theo các bản thần tích ở các làng có thờ tổ nghề hát ca trù thì đều thống nhất hát ca trù do người họ Đinh tạo ra.) Còn gọi là hát nhà tơ là vì ca trù thường do Ty Giáo phường quản lý, chữ “ty” còn có nghĩa (và đọc) là tơ nên gọi là hát nhà tơ.

Ca trù có các làn điệu như Giáo Trống, Giáo Hương, Thét Nhạc, Chừ Khi, Bắc Phản, Đọc phú, Đọc thơ… đặc biệt là điệu Hát Nói.

Trong các làn điệu ca trù thì làn điệu Hát Nói là phong phú nhất, nhiều nhà văn nhà thơ lớn của dân tộc cũng là những người say mê ca trù và để lại nhiều bài hát nói cho đến nay như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến …Một bài hát nói tiêu chuẩn chỉ có 11 câu, câu cuối chỉ có 6 chữ và trong bài thường có một cặp câu đối bằng chữ Hán (thường là bảy chữ). Chính và vậy mà có nhiều ý kiến đã nói rằng Hát nói ca trù chính là sự kết hợp giữa thể loại thơ đời Đường và thể loại từ đời Tống ở Việt Nam. Nếu phải thêm số câu vào bài, người ta thường thêm 4 hoặc 8 … câu (cấp số nhân của 4) (Trừ trường hợp có các câu lục bát)

Người Việt Nam viết các bài hát nói bằng cả hai thể chữ: chữ Nôm và chữ Hán.

Bài sưu tầm từ  Châu Hải Đường

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: